Xây dựng trường học xanh: Nhìn từ câu chuyện thu gom vỏ hộp sữa tại Hà Nội
Ngày 5/11, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội phối hợp với Công ty Tetra Pak Việt Nam, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live& Learn), Công ty Cổ phần Lagom Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng trường học xanh, với chủ đề: “Từ câu chuyện thu gom vỏ hộp sữa tới các sáng kiến bảo vệ môi trường”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia môi trường, thầy cô giáo,... đã có những trao đổi về hiệu quả của chương trình thu gom vỏ hộp sữa trong các trường học. Theo báo cáo của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện thí điểm từ năm 2017, chính thức triển khai trên diện rộng tới 1.200 trường mầm non và tiểu học từ năm học 2019 - 2020.
Kết thúc năm học, mặc dù gián đoạn gần nửa năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song chương trình đã thu gom được 269 tấn vỏ hộp sữa, tương đương với gần 27 triệu vỏ hộp để đưa đi tái chế. Trong năm học 2020 - 2021, chương trình có quy mô mở rộng gấp đôi tại Hà Nội với 1.600 trường tiểu học và mầm non tham gia.
“Chương trình không chỉ là tái chế vỏ hộp sữa các em đã sử dụng để giảm rác thải, quan trọng hơn là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em từ mẫu giáo đến tiểu học, đến các bậc cao hơn. Mỗi học sinh được xem như là một tuyên truyền viên nòng cốt, vận động người thân trong gia đình từ bố mẹ, ông bà, anh chị em của các em đó để tham gia những hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình cũng như cộng đồng” - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi nhận định.
Từ câu chuyện thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa, các cơ quan ban ngành và các đơn vị tổ chức đã đề xuất triển khai chương trình trong năm học 2020 - 2021 với các mô hình trường học xanh và sáng kiến giáo dục môi trường như sáng kiến trường học xanh vì không khí sạch trong dự án “Đường đi bộ đến trường”; mô hình học sinh tự quản trong chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa; sáng kiến của học sinh Trường THCS Chu Văn An, Nghĩa Tân nằm trong dự án thay đổi hành vi học sinh, xây dựng lối sống xanh trong trường học...
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho rằng, việc thu gom vỏ hộp sữa để tránh lãng phí, vì đây chính là một nguồn tài nguyên. Đồng thời, góp phần giữ vệ sinh môi trường, giúp cho các em học sinh thêm những hoạt động rèn luyện kỹ năng sống. Ví dụ, tại trường THCS Nam Từ Liêm, cuối năm 2019 - 2020, trường đã phối hợp với Live & Learn tổ chức chương trình thu gom rác thải pin để đổi lấy cây xanh. Chương trình đã giúp các em học sinh có hành động đúng hơn khi xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhằm khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường tại trường học, Hội thảo đã trao tặng bằng khen cho 35 tập thể trường học thực hiện xuất sắc chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa, 6 tập thể trường học thực hiện tốt các hoạt động xây dựng trường học xanh vì bầu không khí sạch trên địa bàn TP năm học 2019 – 2020. |