Tetra Pak mở rộng thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống tới hơn 600 trường mầm non, tiểu học tại TP.Hồ Chí Minh
Ngày 27/11/2019, Tetra Pak, công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển, đã chính thức cùng với các đối tác là doanh nghiệp xã hội NHC và Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương mở rộng chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tới hơn 600 trường mầm non và tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sự tiếp nối từ thành công của chương trình thí điểm tại 30 trường mầm non mà Tetra Pak cùng với các đối tác đã triển khai trong năm học 2018-2019.
Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II chương trình “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” được tổ chức ngày 27 tháng 11 năm 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 500 đại biểu đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường học và các đơn vị có liên quan đã lắng nghe các báo cáo về chương trình thí điểm. Trong đó, tất cả các trường tham gia chương trình đã làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra việc phân loại vỏ hộp sữa sau khi học sinh uống, giúp chất lượng vỏ hộp thu gom đạt tiêu chuẩn để tái chế.
Cụ thể, các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp, dán sticker lên miệng hộp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được doanh nghiệp xã hội NHC – là một trong những đối tác của Tetra Pak – thực hiện thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển về nhà máy Giấy Đồng Tiến Bình Dương – là đối tác tái chế vỏ hộp giấy của Tetra Pak - để tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái...
Ông Jeffrey Fielkow, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Kết quả ghi nhận tích cực nhất của chương trình thí điểm là các em học sinh đã ngày càng hiểu rõ về sự cần thiết của việc phân loại, thu gom, tái chế. Qua đó không chỉ các em học sinh mà cả giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng tích cực tham gia phân loại, thu gom, tái chế vỏ hộp giấy.”
“Vỏ hộp giấy tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng chất thải rắn tại Việt Nam nhưng Tetra Pak cam kết tích cực phối hợp với các đối tác địa phương triển khai việc thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon tại Việt Nam.” ông Jeffrey chia sẻ thêm.
Để đạt được mục tiêu này, Công ty đã thực hiện hàng loạt các sáng kiến bền vững. Cụ thể, công ty tích cực hợp tác với các hội, nhóm cộng đồng vì môi trường tại Việt Nam để thiết lập và mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng có thể mang vỏ hộp sữa đến để thu gom đi tái chế. Hiện tại Công ty đã có gần 30 điểm thu gom vỏ hộp sữa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại LOTTE Việt Nam và NHC – Hành trình giải cứu rác chết, Tetra Pak sẽ đặt 4 Ngôi nhà vỏ hộp giấy tại các siêu thị LOTTE Mart ở Nam Sài Gòn, Phú Thọ, Tân Bình và Gò Vấp, để người tiêu dùng có thể mang các vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tới thu gom và tái chế. Ngôi nhà vỏ hộp giấy được sản xuất từ chất liệu tái chế là vỏ hộp giấy, thân thiện với môi trường, là nơi hướng dẫn người tiêu dùng và thu hồi vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng để tái chế thành những sản phẩm phục vụ trong cuộc sống hằng ngày.
Song song đó, Tetra Pak cũng đang chính thức triển khai chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường học ở 18 quận huyện Hà Nội, từ giữa tháng 10 năm 2019 cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, Sở Giáo Dục và Đào Tạo Hà Nội, đối tác NHC, đối tác Công ty Lagom, và đối tác tái chế Công ty Giấy Đồng Tiến Bình Dương.
Vào tháng 6 vừa qua, Công ty cùng với 8 nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu Việt Nam thành lập liên minh tái chế bao bì Việt Nam để cùng nhau thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì thực phẩm và đồ uống.
Ghi nhận những nỗ lực này, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây đã vinh danh Tetra Pak là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2019.
Nguồn: Tạp chí Vietnam Business Forum