Lễ phát động chương trình Tái chế vỏ hộp sữa học đường cho 800 trường ở Hà Nội
Đây là chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên & Môi trường và Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội.
Sáng nay (14/12), tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Đinh Tiên Hoàng, P. Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) Tetra Pak, công ty cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, đã khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện thành phố Hà Nội, đưa tổng số trường học tham gia chương trình năm 2019 lên hơn 1.400 trường tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình dự kiến sẽ mở rộng quy mô hoạt động tái chế học đường tới Đà Nẵng và Bình Dương vào năm 2020.
Phát biểu khai mạc, bà Ann Mawe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, dân số thế giới sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, điều đó làm gia tăng sự căng thẳng về tài nguyên. Trong khi đó, lượng rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều, riêng thủ đô Hà Nội có 10.000 rác thải rắn được xả ra mỗi ngày. Phương pháp xử lý hiện nay phổ biến là chôn lấp. Tuy nhiên, phương pháp này không tạo ra hiệu quả về mặt kinh tế và diện tích các bãi rác ở tại Hà Nội cũng như Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên thu hẹp lại.Đây là chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa quy mô lớn đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Sở Tài Nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục & Đào tạo thành phố Hà Nội….
Bà Ann Mawe, đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam.
“Để đối mặt với những thách thức này, chúng ta cần phải sử dụng rác thải một cách hiệu quả. Tôi hi vọng chúng ta có thể chung tay để biến rác thải thành nguồn tài nguyên thông qua việc phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa học đường”, bà Mawe chia sẻ thêm.
Tham gia chương trình, các em học sinh được hướng dẫn cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống như cho ống hút vào trong hộp, làm dẹp và bỏ vào đúng nơi quy định. Vỏ hộp sữa sau đó sẽ được công ty Lagom thu gom định kỳ hai tuần một lần và chuyển đến Nhà máy Giấy Đồng Tiến để tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp, tấm phẳng và tấm lợp sinh thái...
Vỏ hộp giấy đã qua sử dụng có thể được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy công nghiệp và tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.
Mục tiêu cao nhất của chương trình không dừng lại ở việc thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại trường học mà còn tiến tới lan tỏa và hình thành thói quen thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại gia đình, từ đó mang đến một vòng đời mới cho vỏ hộp giấy.
Tại buổi lễ cũng diễn ra triển lãm về hành trình bền vững của vỏ hộp giấy đựng đồ uống từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến khi được tái chế thành các sản phẩm thiết thực. Bên cạnh đó là các hoạt động sôi nổi khác dành cho giới trẻ diễn ra trong hai ngày 14 và 15/12/2019, khách tham quan khi mang 100 vỏ hộp giấy đựng đồ uống tới sự kiện được đổi lấy một cây xanh. Các hoạt động này đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và truyền tải rộng rãi thông điệp thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng của chương trình.
Triển lãm hành trình bền vững của vỏ hộp giấy đựng đồ uống từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến khi được tái chế
Hoạt động đổi vỏ hộp giấy lấy cây xanh thu hút đông đảo người tham dự.
Nguồn: Infonet